3/14/2014 5:30:00 PM
Print: Print this Article Email: Print this Article Share: Share this Article
Một chiều thu se lạnh, cuốn sách đã để lại trong tôi những cung bậc cảm xúc khó tả. Những câu văn rất mộc mạc, những ước mơ thật giản dị về cuộc sống cứ từ từ in sâu vào trong tâm trí, lòng tôi chất chứa những nỗi niềm bâng khuâng.

Một chiều thu se lạnh, cuốn sách đã để lại trong tôi những cung bậc cảm xúc khó tả. Những câu văn rất mộc mạc, những ước mơ thật giản dị về cuộc sống cứ từ từ in sâu vào trong tâm trí, lòng tôi chất chứa những nỗi niềm bâng khuâng.

Có lẽ đối với một phóng viên không chuyên như tôi, đây là một dịp đặc biệt với rất nhiều hồi hộp và chờ mong. Để chuẩn bị cho buổi nói chuyện này, tôi đã lựa chọn rất kỹ các câu hỏi và lên kịch bản thật chi tiết. Mặc dù vậy nhưng tôi thực sự không tránh khỏi cảm giác hồi hộp và lo lắng vì người mà tôi trò chuyện lần này không chỉ là một sinh viên tiêu biểu, có “hoàn cảnh đặc biệt” mà đó còn là tác giả của cuốn sách “ Những ngọn đèn trước gió” đã làm rung động biết bao tâm hồn của độc giả. Đó là chàng trai trẻ Nguyễn Văn Toán – sinh viên lớp 51B1, trường Đại học Thủy lợi. Anh sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, Toán là người con  thứ năm. Cha mẹ đều làm ruộng, nhà rất nghèo.


 Nguyễn Văn Toán (trước khi bị bệnh) và bạn tại biển Nghĩa Hưng - Nam Định
 
 Ước mơ của Nguyễn Văn Toán là sẽ trở thành một nhà doanh nhân thành đạt. Để thực hiện ước mơ của mình, Nguyễn Văn Toán đã quyết tâm và thi đỗ vào Đại học Thuỷ lợi. Nhưng ước mơ của chàng trai trẻ đã bị chặn ngang, bởi số phận đang thử thách anh một cách nghiệt ngã: Khi mới vừa nhập học được một tháng, thì các bác sĩ phát hiện ra Toán đã bị ung thư máu! Cũng giống như bao người khác, khi đã bị mắc căn bệnh nan y này, cái chết có thể đến với anh bất cứ lúc nào. Với những người bị ung thư máu, ranh giới của sự sống với họ thật mong manh. Nguyễn Văn Toán đã viết lại những dòng tâm sự lẫn khát vọng của mình trong cuốn sách đầu tay "Những ngọn đèn trước gió".

Cuốn sách dày gần 300 trang đã được ra mắt công chúng vào tháng 06/06/2009.

Những ngày đầu của thời sinh viên, tôi đã may mắn được gặp anh trong một cuộc thi tài năng do Nhà trường tổ chức. Ngày đó, ấn tượng đầu tiên của tôi với anh là khuôn mặt luôn toát lên vẻ vui tươi và tự tin. Trông anh chững chạc hơn cái tuổi đôi mươi của anh, cái tuổi mà mỗi con người luôn có rất nhiều mơ ước. Và hôm nay, may mắn một lần nữa lại đến, tôi được ngồi gần anh, được tâm sự và được trò chuyện cùng anh như những người thân tình, như một người em gái đang nói chuyện với chính anh trai của mình. Tôi thấy thật gần gũi!

Đọc cuốn hồi ký của anh, tôi thấy trong đó một nghị lực và một niềm lạc quan rất lớn. Trong đời sống, không thiếu gì những người khi bước vào đời, háo hức định ghi nhật kí hoặc tự truyện của riêng mình nhưng rồi tất cả đều đứt gánh bỏ dở, ngay cả chính bản thân tôi cũng vậy. Còn với riêng anh, khi được tôi hỏi điều gì đã khiến anh có đủ nghị lực để có thể kiên trì theo đuổi đến cùng như vậy? Anh đã nói với tôi có ba lý d

Một là, thời điểm biết tin bản thân đang mắc bệnh là lúc anh đang còn quá trẻ, thử thách quá lớn bất ngờ ập đến khiến anh không thể tưởng tượng được chuỗi ngày sắp tới sẽ như thế nào? Nó đối lập hoàn toàn với những tưởng tượng, những ước vọng khi anh mới bắt đầu bước chân vào giảng đường Đại học.

Hai là, trong quá trình chữa bệnh, gặp những hoàn cảnh éo le và chứng kiến bạn bè cùng điều trị với mình lần lượt ra đi anh đã rất đau khổ. Họ đã chết không phải vì họ không cố gắng, không kiên cường, họ chết vì thử thách mà họ phải đương đầu là quá lớn, quá sức chịu đựng. Cái khoảng cách từ “bệnh viện” với “cuộc sống bên ngoài” chỉ trong gang tấc thôi nhưng có mấy ai hiểu được và anh đã tự đặt ra câu hỏi: Nếu mình không ghi chép lại, thì đến bao giờ mới có người làm việc này?

Ba là, anh mong muốn tất cả mọi người sẽ hiểu thêm về cuộc sống trong bệnh viện, hiểu về những con người đang ngày ngày phải gồng mình lên đối chọi với bệnh tật, để cho những nỗ lực không phải là vô nghĩa và có thể để lại dấu ấn nào đó dù là nhỏ thôi trong lòng người.

Trong khi lịch trình điều trị gần như kín ngày, rồi chưa kể tới những mỏi mệt, những áp lực về tinh thần,…, nhưng anh vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để có thể cùng lúc làm cả hai công việc: viết bài và chữa bệnh. Cứ mỗi lúc truyền hóa chất và chuỗi ngày dài sau đó, chân tay anh đều không thể hoạt động được nhưng đó cũng lại là lúc anh có thể nhìn bao quát được toàn cảnh sinh hoạt. Đêm đến, những tiếng khóc than cứ khắc sâu vào trong tâm trí, thay vì viết, anh đã cố ghi nhớ tất cả và lúc nào bản thân cảm thấy thoải mái là anh chỉ cần xâu chuỗi chúng lại và đưa vào bài viết của mình.

Mới nhập trường được một tháng thì anh đã phải tạm dừng việc học. Bước vào ngưỡng cửa cuộc đời với quá nhiều khó khăn thử thách so với bè bạn cùng trang lứa, tự làm chủ cuộc sống, tự “chấp nhận” cuộc sống hiện tại của mình khi tuổi đời còn quá trẻ, tôi cũng tự hỏi liệu có lúc nào anh trách than với số phận và muốn buông xuôi tất cả không?

Anh - một chàng trai hai mươi mà tôi vẫn cho là đa tài, vào năm lớp 12 anh đã giành được giải Nhất hội thi “ Học sinh thanh lịch” của trường Trung học phổ thông B Nghĩa Hưng ( huyện Nghĩa Hưng – tỉnh Nam Định), từng là khách mời danh dự trong chương trình “Ngôi sao ước mơ” của kênh VTV6 và gần đây nhất là giành giải Ba cuộc thi “ Tìm kiếm tài năng thuyết trình 2012 -  Đại học Thủy Lợi”. 

   
       Nguyễn Văn Toán trong chương trình “Ngôi sao ước mơ”

Anh, một người sống rất nội tâm, sống thiên về tình cảm, tưởng là mạnh mẽ nhưng thật ra cũng rất yếu mềm. Khi biết có dấu hiệu bị bệnh, gia đình đã giấu và chỉ nói với anh là bệnh về máu, bệnh “bạch cầu cấp”. Lúc ấy anh đã tin một cách tuyệt đối và vẫn tin vào những gì tốt đẹp trong tương lai.

Đợt điều trị thứ nhất kéo dài trong vòng một tháng, anh trở về nhà với tâm lý thoải mái và nhẹ nhàng. Đến đợt điều trị thứ hai, anh đã bắt đầu có chút hoài nghi và đến một ngày khi vô tình đọc được cuốn sách viết về căn bệnh “ung thư máu” thì anh đã rất bàng hoàng, thật sự suy sụp và đau khổ. Anh đã bật khóc, tiếng khóc cùng tiếng nấc nghẹn ngào mà chẳng thể nói cùng một ai. Lần đầu tiên trong đời anh đã khóc nhiều đến như thế, và trách than số phận sao quá nhẫn tâm với một chàng trai còn quá trẻ như mình.

Anh tâm sự rằng bỗng nhiên phải hòa nhập với cuộc sống mới, anh cảm thấy rất bí bách và khó chịu, buồn tủi. Cơ sở vật chất của Bệnh viện Thanh Nhàn ngày ấy còn tuềnh toàng và chật chội nhưng rồi chỉ mấy ngày sau khi mình vào viện, thì bạn bè đã kéo đến thăm rất đông, gần như kín hết phòng và kéo ra cả hết dãy hành lang. Anh cảm thấy rất vui, được quan tâm, được bù đắp. Tình cảm bạn bè thật nồng thắm biết bao!

So với lớp trẻ ngày nay, nhiều bạn gặp khó khăn là đã chùn bước và phó mặc cho dòng đời xô đẩy nhưng dường như với anh, tôi nhận ra càng trong khó khăn anh lại càng khao khát cố gắng, càng khát khao hi vọng. Trong cuốn tự truyện anh đã viết: “ …Và giờ đây, đã đến lúc tôi cần được sống như những gì mình mong muốn.Và dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, tôi cũng không hề hối hận”. Ngày ấy anh có ba mong muốn: được đi học trở lại, được hòa mình vào dòng chảy cuộc đời và mau khỏe để có thể thực hiện giấc mơ trở thành một Doanh nhân. Và giờ đây, khi đã thực hiện được quá nửa những mong muốn ấy, anh cười nói với tôi rằng anh lại mong muốn “thay đổi suy nghĩ, cách nhìn của những người khác về bản thân mình”. Anh muốn mọi người xem mình là một người có “ quá khứ đặc biệt” chứ không phải là một người có “ hoàn cảnh đặc biệt”. Với anh “ bệnh tật chỉ là thử thách mà tạo hóa muốn chúng ta vượt qua”. Chính câu nói đó đã làm thay đổi số phận và nhiều lần cứu giúp anh thoát khỏi bàn tay của tử thần.

Những ngày ở bệnh viện cuộc sống rất khó khăn nhưng anh vẫn cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc vì anh được sinh ra trong một gia đình đông con, hạnh phúc vì anh được sống trong sự bao bọc của những người thân như một người con, một người em yếu đuối đang cần được trợ giúp. Mãi về sau này, anh mới được biết về những khoản vay nợ, biết mảnh đất phía sau nhà cũng đã thuộc quyền sở hữu của người khác. Cho đến tận bây giờ, khi những khó khăn và sóng gió đã qua đi, khi cuộc sống cũng đã nhẹ đi phần nào anh thấy mình thật may mắn so với rất nhiều người. Anh đã khỏe mạnh trở lại, và có thể đi làm để phụ giúp một phần kinh tế cho gia đình.

Anh kể lại, thời gian anh điều trị, Nhà trường đã rất quan tâm, dành cho anh một sự ưu ái đặc biệt. Tất cả những gì mái trường và thầy cô đã làm, đã thể hiện những giá trị nhân văn cao cả. Anh khoe với tôi, vào ngày 13/06/2009, Ban Giám hiệu Trường Đại học Thuỷ lợi đã về thăm gia đình tại Nghĩa Hưng - Nam Định. Trong đoàn có GS.TS Phạm Ngọc Quý, Phó Hiệu trưởng nhà trường , PGS.TS Lê Xuân Roanh, Phó trưởng khoa Kỹ thuật Biển cùng hơn 10 giảng viên của trường. Cùng với đó là quyết định nhận anh về trường để học, tiếp tục là sinh viên năm thứ nhất, mặc dù trước đó anh phải nghỉ 2 năm điều trị bệnh. Nói đến đó, tôi thấy nét mặt anh toát lên vẻ rạng ngời, và vẻ rạng ngời đó cũng làm tôi thấy vui lây.

 

Nụ cười rạng rỡ của anh khi được tiếp tục đi học

Thời gian cứ trôi đi và con người luôn mong đến ngày mai để hi vọng vào những điều tốt đẹp, cho dù ai cũng biết mỗi ngày qua đi là thời gian sống cũng ngắn lại... Có quá khứ để một lúc nào đó ta nhìn lại phía sau, nhìn lại một khoảng thời gian và nhìn lại bản thân để biết mình đã sống. Có hiện tại để tự thử thách và cảm nhận cuộc sống đẹp đẽ mình đang sống.Có tương lai để ta có hi vọng và biến mơ ước thành sự thật.Và với Nguyễn Văn Toán “khi còn được sống hãy sống thật nhiệt tình, sống hết mình vì bản thân và mọi người". Quả thực, hơn bất cứ một lời hô hào, một khẩu hiệu nào, chính nghị lực vượt qua bệnh tật và khát vọng của anh đã làm nên những điều ý nghĩa, bình dị trong cuộc sống. Đó là “ngọn đuốc sống” cho khát vọng tuổi trẻ, sống nghị lực, luôn vươn tới cái đẹp, làm nhiều điều ý nghĩa cho cuộc đời.

Giờ đây, anh vẫn đang ngày ngày miệt mài làm Đồ án tốt nghiệp và đi là thêm. Quãng đời sinh viên trôi qua với chàng trai trẻ thật nhiều sóng gió nhưng cũng thật nhiều kỉ niệm. Số phận của chàng trai nghèo nhưng đầy nghị lực đã làm cho nhiều người rất cảm động. Những tấm gương như Nguyễn Văn Toán là những tấm gương mà mỗi chúng ta cần phải học hỏi. Trong anh luôn có một hi vọng, sự lạc quan vô cùng lớn rằng ước mơ của anh sẽ trở thành hiện thực.

Hơn ai hết, Nguyễn Văn Toán cũng là một “Ngọn đèn trước gió”, đang tự cháy suốt ngày đêm. nhưng anh đã là một “Ngọn đèn” của niềm tin và hi vọng sống, nên không thể tắt trong lòng người thân, bạn bè và những người bị bệnh ung thư máu. Mong rằng, anh sẽ luôn khoẻ mạnh để hoàn thành được ước mơ của mình: trở thành một nhà doanh nhân thành đạt.

 

Nguyễn Văn Toán (đứng hàng sau, thứ 2 từ phải qua) và bạn bè.

Bài: Hồng Nhung - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các tin khác