4/7/2016 2:17:00 PM
Print: Print this Article Email: Print this Article Share: Share this Article

Trong một đời người, tạo hoá sinh ra đôi bàn chân để đi trên những con đường. Nhưng trên những con đường tưởng chừng như phẳng lặng đó lại xuất hiện những đoạn dốc. Có những đoạn dốc thoải, có những đoạn dốc thẳng đứng đến hoa mắt, chùng chân. Trong những khoảnh khắc ấy, để vượt qua ngọn dốc thẳng đứng cao trước mặt kia cần phải có một trí tuệ, một nghị lực và một đôi mắt sáng tinh tường để xuyên vào đêm tối. Không thể đếm hết đã bao lần vượt dốc trong cả một đời người, mà mỗi lần vượt dốc là một kinh nghiệm quý để lớn lên.

- Đoàn Mạnh Phương -

1. Tuổi thơ:

Cậu bé Kiểm sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, giàu truyền thống yêu nước. Ông bà nội, ngoại của cậu đều tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Bố và mẹ của cậu bé cũng đến với nhau từ tình yêu đất nước khi hai người gặp và yêu nhau trong những ngày đầu tham gia kháng chiến. Cậu bé Kiểm ra đời vào ngày 22/11/1945, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên ngôn độc lập được vài tháng, trong niềm hạnh phúc vô ngần của bố và mẹ, được thừa hưởng nét rắn rỏi của cha, đôi mắt hiền của mẹ. Tuổi thơ gian khổ của cậu bé Kiểm gắn liền với những cuộc hành quân cùng ba mẹ được bắt đầu từ năm 1946, với những bát cháo nấu bằng những hạt cơm độn trích ra từ những phần cơm độn ăn chưa đủ no của những người lính Cụ Hồ đồng đội của ba mẹ cậu đã nuôi cậu bé lớn khôn, và theo suốt hành trình đó là sự yêu thương, đùm bọc của những người đồng đội của ba, của mẹ, của các gia đình người dân miền Trung tần tảo, chịu thương, chịu khó. Ký ức tuổi thơ của cậu bé Kiểm vẫn còn đọng mãi hình ảnh của những người chiến sĩ cách mạng mang trên mình vết thương của bom đạn, nhiều lần cậu bé đã khóc vì thương ba, thương các bác, các cô, các chú thương binh… Và rồi vào một đêm mùa thu năm 1949, mặc dù được đồng đội và nhân dân hết lòng chăm sóc, nhưng do vết thương quá nặng, ông Lê Văn Lân – ba của cậu bé Kiểm – đã vĩnh viễn ra đi trên tay một người đồng đội để lại một tấm gương dũng cảm chiến đấu chống kẻ thù, để lại nỗi đau vô bờ bến cho mẹ và cậu bé 4 tuổi sớm mồ côi cha…

Trong những năm tháng tiếp theo đó, cậu bé Kiểm được sống trong tình yêu nhân đôi của mẹ, vì mẹ “sống thay cả phần ba để nuôi dưỡng con nên người”, trong sự đùm bọc cưu mang của tình người giản dị mà nồng ấm tại mảnh đất Thọ Xuân – Thanh Hoá, sống trong tình thương yêu của người đồng chí, đồng đội của ba, mẹ… Phải chăng vì tất cả điều đó đã góp phần hình thành nên một nhân cách sống, một tấm lòng nhân hậu của người Anh hùng Lê Văn Kiểm mấy chục năm sau…

 2. Đi học:

 Được học chữ là niềm hạnh phúc vô ngần của cậu bé Kiểm, từ những chữ cái đầu tiên do mẹ và các cô chú ở Quân Y viện dạy đánh vần, đến lớp học miền Nam trên đất Bắc. Những trường học sinh miền Nam trên đất Bắc có từ vỡ lòng cho tới cấp I, cấp II, cấp III, và được xây dựng ở nhiều địa phương trên miền Bắc. Cậu bé Lê Văn Kiểm cũng được Đảng và Nhà nước cho vào học ở trường học sinh miền Nam số 1 tại làng Chuông, Thanh Oai, Hà Đông sau đó là các trường học sinh miền Nam số 23, 24, 25, 27 tại xã Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Đông. Ở đây, cậu bé Kiểm và các bạn đồng học đã được sống trong sự đùm bọc và yêu thương của đồng bào miền Bắc với tất cả những gì nghĩa tình nhất, tốt đẹp nhất dành cho con em miền Nam ruột thịt. Những năm tháng học tập và rèn luyện nề nếp như môi trường quân đội, những giờ lao động kỹ thuật làm mộc, làm rèn, những giờ lao động trồng rau, cuốc đất, gặt lúa giúp dân… tất cả đã ghi trong dấu ấn của cậu bé Kiểm với những kỷ niệm không thể nào quên. Cũng từ đấy cậu bé học lớp 4 Lê Văn Kiểm đã biết tự vá quần áo cho mình, và suốt những năm tháng tại mái trường học sinh miền Nam trên đất Bắc cậu bé Kiểm là một học sinh ấn tượng, đa tài trong các hoạt động thể dục thế thao, trồng chuối, đi bằng hai tay trên xà kép, chơi đàn ghita, đàn violông, kèn acmônica, và đặc biệt là “tay kéo” Lê Văn Kiểm đã trở thành ấn tượng khó phai trong lòng nhiều bạn đồng học vì chỉ có một cái kéo, cái lược nhỏ mà cậu đã cắt tóc cho các bạn rất đẹp như thợ chuyên nghiệp.


AHLĐ Lê Văn Kiểm tại trường học sinh miền Nam (người đứng thứ hai từ phải sang trái)

Mười năm học tập trên đất Bắc dưới mái trường học sinh miền Nam cũng chính là khoảng thời gian cần và đủ để cho cậu học trò Lê Văn Kiểm trở thành chàng trai Lê Văn Kiểm với tất cả hoài bão và ước mơ cháy bỏng. Và cũng trong thời gian này, Kiểm đã có mối cơ duyên với một nữ sinh xinh đẹp là chị Trần Cẩm Nhung – cũng là một học sinh miền Nam, năm 1954 được tấp kết ra miền Bắc – người sau này đã đồng hành cùng anh chia ngọt sẻ bùi suốt cả cuộc đời…

Ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung trong ngày cưới (01/5/1970)

Năm 1964, cánh cửa của Trường đại học Thủy Lợi mở rộng chào đón những chàng sinh viên đầy hoài bão như Lê Văn Kiểm. Cũng tại mái trường này, Lê Văn Kiểm đã tiếp thu được nhiều kiến thức, những chân trời mới đã và đang mở ra trước mắt anh. Trong nhận thức của mình, Lê Văn Kiểm cảm thấy rõ hơn ngoài tinh yêu và tâm huyết còn phải có kiến thức và trình độ để chắp cánh cho mọi ước mơ sau này.

Đang học năm thứ 2 đại học Thủy Lợi, Lê Văn Kiểm là một trong ba sinh viên được khám sức khoẻ và tuyển chọn ra từ hơn 200 sinh viên để tuyển vào phi công phục vụ trong quân đội và anh cũng có thời gian được trực tiếp luyện tập ở sân bay Bạch Mai. Làm phi công lái máy bay phản lực chiến đấu là mơ ước của hầu hết thanh niên thời đó, nhưng cũng có nghĩa là bay giữa sự sống và cái chết. Chính vì thế, khi biết anh là con duy nhất của liệt sĩ, nên theo chính sách cấp trên đã quyết định chuyển anh về lại trương đại học tiếp tục học tập để phục vụ Tổ quốc sau này.

Những năm tháng của thời sinh viên, khi đó đại học Thủy Lợi sơ tán trên núi rừng huyện Lục Nam tỉnh Hà Bắc, để lại nhiều kỷ niệm trong cuộc đời của anh. Lúc đó, sinh viên phải tự lên rừng đốn nứa, chặt cây, tự đan tranh làm nhà, tự làm giường để ngủ, tự trồng sắn để ăn cho có sức học hành. Đáng nhớ nhất là trong những ngày tháng sinh viên Thủy Lợi khoá 6E đi sơ tán tại xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam để khảo sát làm đồ án hồ chứa nước Suối Nứa, sinh viên Lê Văn Kiểm được ở tại nhà mẹ Nguyễn Thị Diêm, mẹ đã nhường chiếc chõng tre duy nhất trong nhà cho anh nằm còn mẹ nằm đất “để các con giữ sức còn học hành”, nhưng rồi anh cũng không đành lòng nhìn mẹ nằm đất, đêm đó hai mẹ con cùng nằm chung trên chiếc chõng tre trong tiếng mưa thấm qua mái rạ, đó là đêm không thể nào quên trong cuộc đời của anh sinh viên Kiểm. Sau ngày giải phóng anh sinh viên thủy lợi ngày nào nay đã là một cựu chiến binh đã trở về thăm mẹ Diêm thì mẹ đã già yếu qua đời. Anh đã lập mộ khang trang cho mẹ, bà con dân làng rất cảm động trước tấm lòng của một sinh viên thủy lợi đã có những ngày tháng sơ tán tại làng mình. Có lần sinh viên Lê Văn Kiểm vừa kết thúc đợt thực tập khảo sát môn học trắc đạc tại Đồng Mỏ, tỉnh Lạng Sơn thì được tin mẹ bị ốm nặng, anh xin phép nhà trường về thăm mẹ. Khi được phép của nhà trường, với tình cảm nhớ thương mẹ, anh đã đạp xe hơn 200km từ Đồng Mỏ - Lạng Sơn tới Thạch Thành – Thanh Hoá trong suốt một đêm, một ngày để về thăm mẹ anh đang lâm bệnh nặng. Sau một ngày thăm, an ủi, động viên mẹ, mẹ anh vui và sức khoẻ đỡ hơn một chút, đồng thời để quay lại trường theo đúng ngày phép trường đã cho, anh xin phép mẹ trở về trường với bao tình yêu thương, lo lắng cho người mẹ hiền và anh lại tiếp tục đạp xe từ Thanh Hoá về Lục Nam, Hà Bắc (gần 200km), nơi trường đại học Thủy Lợi sơ tán, tiếp tục học hành… tất cả những kỷ niệm đó được mang theo anh như một hành trang không bao giờ có thể nào quên.

 

 

Cựu sinh viên Thủy lợi Lê Văn Kiểm ủng hộ nhân dân huyện Lục Nam (nơi trường Đại học Thủy lợi đã sơ tán từ 1965 - 1973) khắc phục hậu quả lũ lụt 2008

Cựu sinh viên Thủy lợi Lê văn Kiểm về thăm mẹ Nguyễn Thị Diêm, người mẹ đã cưu mang đùm bọc trong thời gian anh sơ tán và làm Đồ án Tốt nghiệp tại huyện Lục Nam

Khi tốt nghiệp đại học Thủy Lợi với tấm bằng Kỹ sư thủy lợi, Lê Văn Kiểm đã công tác trong ngành một năm. Thời đó chiến tranh rất ác liệt, nhiều thanh niên ở miền Bắc đã nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Anh thấy mình là người miền Nam, được Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc nuôi dạy trưởng thành, nên anh thấy phải có sự đóng góp với Tổ quốc để báo đáp công ơn to lớn đó và cũng là để báo đáp sự hy sinh, cống hiến của cha mẹ mình, vì thế anh đã viết đơn tình nguyện gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam bằng chính dòng máu tuổi trẻ của mình.

3. Hạnh phúc mong chờ:

Đầu năm 1971, chàng kỹ sư Lê Văn Kiểm đã chính thức trở thành anh bộ đội cụ Hồ. Vào quân đội anh lại viết tiếp một lá đơn xung phong đi B vào chiến trường miền Nam – nơi đã và đang diễn ra ác liệt cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Ngày Lê Văn Kiểm lên đường vào Nam để lại miền Bắc người vợ trẻ và đứa con thơ, anh lên xe ô tô vận tải ZIN 3 cầu còn mới tinh nguyên, với quân phục bộ đội giải phóng, vải bạt phủ kín bịt bùng (vì khi đó vào chiến trường B vẫn còn phải giữ bí mật) anh cố gắng vén hé nhỏ tấm bạt phủ sau xe để được nhìn vợ con lần cuối, vợ anh cố giấu những giọt nước mắt để tiễn anh vào chiến trường mà không thể biết ngày nào mới được đoàn tụ, anh mang theo mình nỗi thương nhớ vợ, con và người mẹ già ốm yếu cùng với niềm kính yêu vô tận đối với người cha đã hy sinh làm hành trang cho mỗi bước anh đi.

Lê Văn Kiểm đã cùng đồng đội trải qua cuộc hành quân đầy gian khổ theo chiều dài đất nước, vượt qua dãy Trường Sơn, vượt qua biết bao đèo dốc hiểm trở, qua những con đường mòn, lối tắt, vượt qua sông, qua suối, băng rừng để có mặt ở mặt trận Tây Ninh, nơi đóng quân của Trung ương cục miền Nam, đang chuẩn bị cho một chiến dịch lớn: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở chiến trường B2 trong thời gian công tác tại Ban Giao thông công chính Trung ương cục miền Nam đã để lại trong anh nhiều kỷ niệm sâu sắc đó là:

- Ngày 15/4/1975 anh được giao nhiệm vụ tham gia vào đoàn công tác đặc biệt do đồng chí Võ Thới Trung là Tổng công trình sư, Phó Ban Giao thông công chánh Trung ương cục miền Nam, làm trưởng đoàn và 3 kỹ sư trong đó có anh. Nhiệm vụ của đoàn là khảo sát, vạch tuyến, mở đường cho bộ đội chủ lực của ta từ Tây Ninh về Long An cắt ngang Quốc lộ 4 chặn con đường chi viện của quân đội Việt Nam cộng hoà từ miền Tây lên ứng cứu cho thành phố Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau hai ngày công tác, đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về căn cứ Trung ương cục. Trưa ngày 17/4/1975, khi đoàn đến gần cửa khẩu Mộc Bài, xác người chết trong trận chiến còn ngổn ngang xung quanh hai bên đường thì đoàn bị địch phát hiện và pháo từ phía thị trấn Gò Dầu đã bắn cấp tập vào đội hình của đoàn. Họ đã phải chạy sang đất bạn Campuchia và thật may mắn khi cả đoàn công tác không có ai bị thương vong. Sau đó họ từ đất Campuchia tìm đường về lại căn cứ Trung ương cục.

- Ngày 27/4/1975, Lê Văn Kiểm được lệnh tham gia vào đoàn quân của Trung ương cục về tiếp quản thành phố Sài Gòn. Anh và các đồng đội được phát lương khô và gạo rang đủ ăn trong 7 ngày, được nhận súng AK mới nguyên và đầy đủ cơ số đạn để có thể chiến đấu trên đường về tiếp quản thành phố. Họ đã hành quân trong đêm để vượt qua những trọng điểm mà quân đội Việt Nam cộng hoà còn chiếm giữ như căn cứ núi Bà Đen ở Tây Ninh. Ngày 29/4/1975, anh cùng đồng đội đã tiếp cận và có mặt tại một cánh rừng cao su ở huyện Củ Chi, trong lúc đó những cánh quân chủ lực của ta đang thắt chặt vòng vây đánh vào thành phố Sài Gòn – Gia Định. Trưa ngày 30/4/1975, sau khi Tổng thống Việt Nam cộng hoà Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, anh cùng đồng đội được lệnh thay toàn bộ quần áo mới, đầu đội mũ tai bèo, chân mang dép cao su, súng đạn sẵn sàng, tay trái mang băng đỏ có dòng chữ “Ban Quân quản K6” ngồi trên những chiếc xe ô tô ZIN 3 cầu có cắm cờ Mặt trận giải phóng trước đầu xe và tiến thẳng về Sài Gòn trong sự hân hoan chào đón của nhân dân Sài Gòn với cờ hoa vẫy chào đoàn quân giải phóng. Lê Văn Kiểm cùng đồng đội đến tiếp quản Bộ Giao thông công chánh của Chính phủ Việt Nam cộng hoà. Cảm giác của anh lúc đó vô cùng sung sướng, tự hào mình là người lính giải phóng đã được chứng kiến một thời khắc lịch sử của dân tộc mà không bao giờ quên được trong cả cuộc đời của mình và anh tin tưởng rằng mình sẽ sớm được gặp lại vợ con và gia đình sẽ được đoàn tụ trên một đất nước hoà bình, ấm no, hạnh phúc.

 Ông bà Lê Văn Kiểm trao tặng kinh phí tôn tạo di tích lịch sử Trung ương cục miền Nam

 Ông bà Lê Văn Kiểm tặng quà, nhà tình nghĩa, tình thương và bò sinh sản cho các hộ nghèo của xã Tân Lập, huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh, nơi đóng quân của Trung ương cục miền Nam mà ông từng sống trước 30/4/1975

Cựu sinh viên Lê Văn Kiểm cùng vợ và các con về thăm lại chiến trường xưa nơi đóng quân của cơ quan Trung ương cục miền Nam

Đất nước thống nhất, gia đình đoàn tự trong niềm hạnh phúc nghẹn ngào. Từ đấy, anh chị không còn kẻ Bắc người Nam, không phải sống trong bom đạn nữa, họ bắt đầu sát cánh bên nhau trong một “cuộc chiến” mới – cuộc chiến xây dựng kinh tế chống đói nghèo.

Cuối năm 1976, cô con gái Lê Nữ Thùy Dương ra đời, gia đình anh giờ đây nếp tẻ đủ cả, gánh nặng mưu sinh càng đè nặng trong trái tim anh, biết bao đêm người đàn ông này đã lặng lẽ suy nghĩ trắng đêm để tìm ra một hướng đi làm kinh tế cho gia đình được khấm khá hơn. Bản chất anh bộ đội cụ Hồ đã giúp anh sẵn sàng dấn thân vào một cuộc chiến đấu mới đầy thử thách: thắp lửa đuổi đói nghèo từ hai bàn tay trắng. 

4. Người doanh nhân thành đạt:

Anh Lê Văn Kiểm khởi nghiệp lặng lẽ bằng công việc sản xuất thức ăn gia súc để phục vụ cho phong trà nhà nhà chăn nuôi, người người chăn nuôi. Sản phẩm của cơ sở sản xuất thức ăn gia súc Huy Hoàng của anh vừa rẻ, vừa chất lượng nên đã được nhiều người mua, bà con phấn khởi bởi thức ăn của cơ sở anh giúp cho lợn, gà của họ chóng tăng cân. Nhu cầu của người dân tăng lên, trong khi đó cả hai vợ chồng anh mỗi ngày lại đóng hai vai: ban ngày làm việc nhà nước, ban đêm làm sản xuất thức ăn gia súc. Điều đó liệu có lâu dài? Chính vì lý do đó, sau nhiều đêm trăn trở, anh nghĩ: làm nhà nước hay làm kinh tế tư nhân mà đạt hiệu quả tốt cho gia đình và đất nước thì dù có làm ở đâu cũng đều tốt cả. Vốn liếng đầu tiên, để cho xưởng chế biến thức ăn gia súc của anh chính thức ra đời, là nhờ vào đồng tiền bán chiếc xe Honda cũ đã gắn bó bao nhiêu kỷ niệm của gia đình, sau bao trăn trở và cả tiếng thở dài tiếc nuối, chiếc xe đã đem bán ra chợ được gần một lượng vàng…

Đó là những khởi nghiệp đầu tiên của người đàn ông tài giỏi này, trải qua rất nhiều những khó khăn, những khám phá mới cho từng bước đi làm kinh tế của anh đã khiến người ta phải khâm phục trước nỗ lực phi thường, sự lao động trí óc không mệt mỏi.

Ngày nay, người ta biết đến Lê Văn Kiểm là người doanh nhân thành đạt, có nhiều đóng góp cho đất nước, là ông chủ của sân golf Long Thành – một sân golf tuyệt đẹp toạ lạc trên 350ha đất; là ông chủ của khu du lịch và khách sạn Thùy Dương, là người luôn đặt chữ tâm lên hàng đầu cho các công việc từ thiện.

Những năm qua ông và gia đình đã thực hiện nhiều hoạt động từ thiện xã hội, đặc biệt là công tác đền ơn đáp nghĩa, với tổng số tiền hơn 146 tỷ đồng đóng góp vào các hoạt động như: tài trợ mổ tim cứu sống được hơn 80 em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh; tài trợ mổ mắt đem lại ánh sáng cho hơn 10.000 người mù nghèo; ủng hộ giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, bão lũ hàng năm; ủng hộ giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam; ủng hộ kinh phí nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật; xây dựng hơn 400 căn nhà tình thương và nhà đại đoàn kết cho đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng hơn 350 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu chiến binh, các cựu tù chính trị, các cựu thanh niên xung phong và các gia đình chính sách, gia đình có công với nước. Tài trợ học bổng cho con em đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường học tập. Đóng góp kinh phí tôn tạo các khu di tích lịch sử cách mạng như căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh, ngã ba Đồng Lộc ở Hà Tĩnh, thành cổ Quảng Trị, An toàn khu Thái Nguyên… Tôn tạo nâng cấp nhiều nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

 Tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có công với Cách mạng tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

 CCB Lê Văn Kiểm tặng Học bổng cho con em bộ đội Trường Sơn

 


Ngoài việc tham gia các hoạt động xã hội trong nước, ông cùng gia đình còn tham gia giúp đỡ nhân dân các nước anh em khi họ gặp khó khăn nhằm góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế như ủng hộ nhân dân Cuba khắc phục hậu quả 2 cơn bão lớn là Gustav và Ike, ủng hộ nhân dân thủ đô Viêng Chăn khắc phục hậu quả của cơn lũ lịch sử năm 2008, tài trợ mổ mắt đem lại ánh sáng cho hơn 2.000 người mù nghèo ở Lào và Campuchia cùng nhiều hoạt động khác như tặng xe lăn cho người khuyết tật, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương.

 CCB Lê Văn Kiểm ủng hộ nhân dân Cuba khắc phục hậu quả bão Gustav và Ike năm 2008

 Gia đình AHLĐ Lê Văn Kiểm ủng hộ nhân dân Thủ đô Viêng Chăn (Lào) khắc phục hậu quả trận lũ lịch sử năm 2008

Không chỉ thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội một mình, ông còn tích cực vận động anh em, bạn bè là các doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhau thực hiện các hoạt động giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ bằng việc hàng năm ông đều đứng ra phối hợp cùng một số doanh nhân, doanh nghiệp tổ chức giải golf từ thiện. Năm 2007 giải golf từ thiện “Doanh nhân Việt Nam vì người nghèo” đã nhận được sự ủng hộ của các doanh nhân, doanh nghiệp với số tiền hơn 62 tỷ đồng. Năm 2008 giải golf “Doanh nhân làm từ thiện” các doanh nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ số tiền hơn 142 tỷ đồng. Và năm 2009 vừa qua giải golf từ thiện với một nét mới đó là “Giải golf từ thiện hữu nghị Việt Nam – Campuchia – Lào” đã được tổ chức thành công và các doanh nhân, doanh nghiệp 3 nước đã đăng ký đóng góp với số tiền hơn 215 tỷ đồng.

 Trưởng Ban tổ chức Giải golf từ thiện "Doanh nhân làm từ thiện 2009" Lê Văn Kiểm đại diện các doanh nhân, doanh nghiệp tham dự Giải trao tặng kinh phí ủng hộ quỹ "Vì người nghèo của UBTW Mặt trận TQ Việt Nam 18,5 tỷ đồng

 Trưởng BTC Giải golf từ thiện" Doanh nhân làm từ thiện 2009" Lê Văn Kiểm trao tặng kinh phí mổ mắt cho người mù nghèo

 Các doanh nhân, doanh nghiệp trao tặng kinh phí đóng góp trong "Giải golf từ thiện hữu nghị Việt Nam - Cămpuchia - Lào năm 2009"

Với những đóng góp tích cực của mình ông đã được nhà nước Việt Nam và Lào tặng nhiều huân chương, huy chương, kỷ niệm chương cùng nhiều bằng khen của các cơ quan các cấp… Và mới đây thôi tháng 6 năm 2008 ông đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Chủ tịch nước CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết trao tặng Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho Cựu sinh viên Thủy lợi Lê Văn Kiểm

Tôi thật sự xúc động khi xem cuốn sách “Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm – Đường đi và Đích đến” của tác giả Đoàn Mạnh Phương, tôi nhận thấy ở ông Lê Văn Kiểm – một người tôi chưa từng tiếp xúc – một tình cảm ấm áp, một sự gần gũi, thân thiện, một tấm lòng bao la tình thương đối với những người còn gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn. Tôi tự hào vì ông là sinh viên Đại học Thủy Lợi – những thế hệ sinh viên đầu tiên của mái trường Anh hùng. Tôi cũng thầm gửi lời cảm ơn chân thành đến tác giả Đoàn Mạnh Phương vì anh đã mang đến cho chúng ta một cái nhìn xác thực nhất về con người tài giỏi của đất nước Việt Nam – Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm.

 (Hết) 
( Bài viết dựa theo cuốn sách “Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm – Đường đi và Đích đến” của tác giả Đoàn Mạnh Phương)

 

Các tin khác